Bố trí không gian chăm sóc sức khỏe cần tuân thủ những quy tắc trong thiết kế bệnh viện, phòng khám. Không chỉ ở chất lượng dịch vụ, chuyên môn, niềm tin là một điều vô cùng quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Gợi ý 4 loại hình dịch vụ sức khỏe cần đầu tư bố trí không gian nội thất
Bệnh viện Đa khoa
Như tên gọi, bệnh viện đa khoa là hình thức khám chữa bệnh bao gồm nhiều chuyên khoa, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhiều đối tượng khách hàng.
- Về cơ số giường: Theo tiêu chuẩn của luật khám chữa bệnh, bệnh viện đa khoa phải có quy mô ít nhất 30 giường bệnh. Bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền phải có ít nhất 20 giường bệnh; riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt sử dụng kỹ thuật cao phải có ít nhất 10 giường bệnh.
- Về số lượng chuyên khoa: bệnh viện đa khoa phải có ít nhất 02 trong 04 khoa (nội, ngoại, sản, nhi) hoặc một khoa lâm sàng đối với bệnh viện chuyên khoa; và các phòng chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, điều dưỡng, tài chính kế toán….
- Về yêu cầu trong xây dựng: vị trí khu đất xây dựng phải phù hợp với quy hoạch được duyệt, giao thông thuận lợi và có tính đến nhu cầu phát triển trong tương lai. Vệ sinh thông thoáng, yên tĩnh, tránh các khu đất có môi trường bị ô nhiễm.
- Về nhân sự: người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà bệnh viện đăng ký hoạt động và thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng theo quy định của bộ Y Tế.
Quy mô của Bệnh viện đa khoa (phục vụ một khu vực dân cư) và chỉ tiêu diện tích sàn xây dựng bình quân cho một giường bệnh được quy định như sau:
Quy mô | Số lượng (giường) | Diện tích sàn xây dựng (m2/giường) | Diện tích đất (ha) |
Lớn | từ 350 đến 500 | từ 80 đến 90 | 3,6 |
Nhỏ | từ 250 đến 350 | từ 90 đến 100 | 2,5 |
Chú thích:
- Diện tích khu đất xây dựng quy định ở trên, không tính cho các công trình nhà ở và phúc lợi công cộng phục vụ cho đời sống cán bộ công nhân viên. Các công trình này được xây dựng ngoài khu đất xây dựng Bệnh viện đa khoa.
- Trường hợp diện tích đất xây dựng các Bệnh viện đa khoa trong đô thị không đảm bảo được quy định nêu trên, khuyến khích thiết kế Bệnh viện đa khoa hợp khối, cao tầng nhưng phải tuân thủ và đảm bảo dây chuyền hoạt động của Bệnh viện đa khoa khu vực.
Bên cạnh đó, một bệnh viện cũng cần tuân thủ các quy định của Bộ Y tế về xây dựng, trang thiết bị nhằm đảm bảo an toàn, tiện ích và chất lượng chuyên môn. Để tìm hiểu chi tiết, khách hàng có thể xem thêm tại các tài liệu số 32, 33, 34/2005/QĐ–BYT ngày 31/10/2005 và của Bộ Y tế. 35/2005/QĐ–BYT ngày 15/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ngoài ra, trung tâm y khoa được xem một bệnh viện đa khoa nhưng với quy mô có thể nhỏ hơn. Trung tâm y khoa có chức năng khám bệnh, chữa bệnh thì được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức tương đương với bệnh viện đa khoa hoặc phòng khám đa khoa.
Bệnh viện chuyên khoa
Bệnh viện chuyên khoa là bệnh viện được xây dựng với mục đích điều trị cho một chuyên khoa như sản, nhi, tim mạch, thẩm mỹ, răng hàm mặt, nhãn khoa, cơ xương khớp.…
Bố trí không gian bệnh viện chuyên khoa phải có ít nhất 20 giường bệnh (riêng chuyên khoa mắt nếu đăng ký sử dụng kỹ thuật cao phải có ít nhất 10 giường bệnh) và có ít nhất một khoa cận lâm sàng phù hợp với bệnh viện chuyên khoa. Đặc biệt tại các bệnh viện mắt nếu không có khoa chẩn đoán hình ảnh thì phải ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động khoa chẩn đoán hình ảnh để đảm bảo cho chẩn đoán chính xác.
Cũng như bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa cũng có các quy tắc về xây dựng, thiết kế không gian nội ngoại thất, trang thiết bị và nhân sự cần tuân thủ được ban hành trong các quyết định của Bộ Y tế để đảm bảo chất lượng bệnh viện.
Phòng khám tư nhân
Phòng khám tư nhân hay còn gọi là phòng mạch tư. Phòng khám tư nhân không điều trị nội trú mà chỉ tập trung vào khám, điều trị và bán thuốc cho các khách hàng ngoại trú. Hay nói cách khác, phòng khám tư nhân cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị mà khách hàng không ở lại qua đêm.
Bố trí không gian phòng khám tư nhân thường chỉ tập trung vào 1-2 lĩnh vực chuyên môn. Đối với phòng khám tư nhân đa khoa, phải có ít nhất 02 trong 04 chuyên khoa (nội, ngoại, sản, nhi) và có bộ phận cận lâm sàng (xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh).
Phòng khám tư nhân cũng có những quy định cần tuân theo và sẽ được kiểm tra định kỳ bởi Sở Y tế tại địa phương. Một số yêu cầu tối thiểu như phải có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động); Đảm bảo các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại…
Bên cạnh đó, một phòng khám tư nhân phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về diện tích, trang thiết bị, cơ số thuốc. Về nhân sự, người đứng đầu phòng khám bắt buộc phải có ít nhất 54 tháng hoạt động khám chữa bệnh về chuyên khoa theo quy định Bộ Y tế.
Trung tâm Xét nghiệm (lab)
Trung tâm xét nghiệm là nơi được thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng như xét nghiệm máu, nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh, siêu âm … tùy theo quy mô của trung tâm. Không như các mô hình khác có yêu cầu về số lượng và sự sắp xếp các chuyên khoa, trung tâm xét nghiệm lại được quy định chặt chẽ về hạ tầng, trang thiết bị và nhân sự.
Về yêu cầu trong xây dựng và trang thiết bị, địa điểm của trung tâm xét nghiệm phải cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình và đáp ứng các yêu cầu về giải pháp thiết kế kiến trúc và giải pháp kỹ thuật, bảo đảm xử lý rác thải y tế theo quy định của pháp luật, phòng chống lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho nhân viên và có đủ các điều kiện khác về trang thiết bị và trình độ nhân sự.
Bên cạnh đó, các trung tâm xét nghiệm chỉ được thực hiện các xét nghiệm phù hợp với thiết bị xét nghiệm hiện có và năng lực thực tế của người hành nghề tại phòng xét nghiệm.
Tham khảo quy định nào khi mở bệnh viện, phòng khám?
Để thuận tiện cho giao thông đi lại trong bệnh viện, thiết kế và diện tích hành lang, cửa đi, cầu thang,… nên đảm bảo các tiêu chí như trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4470:2012, bạn đọc nên tham khảo quy định này để hiểu rõ hơn khi triển khai thực tế.
Dù là hình thức hoạt động nào, các cơ sở hoạt động về y tế luôn được kiểm soát chặt chẽ bởi quy định từ Bộ Y Tế và các Sở ban ngành có liên quan, số hiệu quy định đã được nhắc đến trong 4 loại hình bên trên. Điều này không chỉ giúp kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh mà còn là hướng dẫn dành cho các nhà đầu tư, chủ cơ sở khi bắt đầu xây dựng và thiết kế.
Tiêu chuẩn Thiết kế phòng khám
Khi đã đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng chuyên môn bên trên, không gian của bệnh viện, phòng khám là đều được quan tâm nhất, iCOM Design xin gửi đến khách hàng một số quy tắc trong thiết kế không gian và nội thất để tối ưu hóa không gian của bệnh viện, phòng khám.
6 gợi ý bố trí không gian chăm sóc sức khỏe cho bệnh viện, phòng khám mới
Chọn lựa màu sắc cho bố trí không gian nội thất bệnh viện
Trong thiết kế bệnh viện và các phòng khám chuyên khoa, nên chú ý đến màu sắc và hình ảnh chủ đạo. Theo nghiên cứu, luôn có sự liên quan giữa màu sắc và các đối tượng khách hàng của các chuyên khoa. Ví dụ như
- Màu hồng dành cho sản vì đối tượng chủ yếu là phụ nữ, cần sự mềm mại, nữ tính;
- Màu đỏ dành cho các bệnh tim mạch vì tính chất nguy hiểm, khẩn cấp và liên quan nhiều đến màu đỏ là màu sắc của mạch máu;
- Màu xanh lá dành cho các bệnh tiêu hóa;
- Màu sắc rực rỡ dành cho khoa nhi…
Lựa chọn màu sắc và các nội thất phù hợp sẽ làm nổi bật dịch vụ cũng như tạo được dấu ấn riêng cho bệnh viện, phòng khám.
Màu sắc thiết kế bệnh viện
Trong thiết kế và trang trí phòng khám tư nhân, để có thể lựa chọn concept (ý tưởng chủ đạo được vận dụng trong suốt quá trình thiết kế) phù hợp. Chủ đầu tư nên kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa các yếu tố như tính chất sản phẩm dịch vụ, sở thích và cả quan điểm nghề, phong thủy… Những yếu tố này sẽ được thể hiện trong bản thiết kế không gian 3D mẫu, bố cục khu vực chuyên môn, vị trí đặt đồ nội thất và cả luồng giao thông di chuyển giữa các khu. Để có được một không gian bệnh viện tiêu chuẩn, hài hoài, công năng đồ nội thất đầy đủ, tối ưu và hiệu quả cao trong vận hành. Việc thiết kế và chọn concept cần được thực hiện ngay trước khởi công xây dựng.
Diện tích xây dựng không gian nội thất bệnh viện
Đối với phòng khám, cơ sở y tế có diện tích nhỏ, để có không gian rộng lớn hơn hãy dùng tường kính trong suốt thay vì xây dựng những bức tường gạch, kim nhôm cản trở tầm nhìn. Chúng giúp cho tầm nhìn khách hàng được sâu và rộng hơn, tạo nên cảm giác rộng lớn cho tổng thể. Quy tắc này thường được áp dụng trong các phòng khám, cơ sở y tế có diện tích nhỏ. Đối với bệnh viện, trung tâm y khoa có diện tích lớn, cần lưu ý đến nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế sẽ luôn thay đổi, mở rộng khi quá tải. Vì vậy cần tuân theo các quy chuẩn về quy hoạch và bố trí không gian.Ví dụ: xây dựng một cấu trúc mở, dễ dàng tiếp cận và sửa đổi khi cần thiết. Để đảm bảo được vấn đề này chủ đầu tư cần có một kế hoạch cụ thể để mẫu thiết kế vừa phù hợp với kết cấu hạ tầng sẵn có mà vẫn đáp ứng được về định hướng mở rộng cho tương lai.
Sơ đồ công năng bệnh viện
Yếu tố phòng bệnh và lây nhiễm khi bố trí không gian nội thất bệnh viện
Đối với bệnh viện, đặc biệt là các khu xét nghiệm và điều trị bệnh lây nhiễm, phòng phẫu thuật, tiêu chí an toàn cho kỹ thuật viên, nhân viên làm việc trong khoa và môi trường xung quanh phải tuân theo yêu cầu chống lây/nhiễm cao nhất.
Các vật dụng nên sử dụng các vật dụng trơn, láng, hạn chế bám bẩn và dễ tẩy rửa, sử dụng vật liệu chống thấm, chống ăn mòn hóa chất, dễ cọ rửa, sơn kháng khuẩn; Kết cấu công trình phải đảm bảo độ bền vững (sử dụng khung bêtông cốt thép, khung kim loại và vật dụng hiện đại khác); Các khoa xét nghiệm phải đảm bảo điều kiện chiếu sáng theo yêu cầu cho từng khu vực, đảm bảo điều kiện nhìn rõ trong công tác xét nghiệm.
Vì vậy, ngay từ đầu trước khi thi công việc thiết kế 3D không gian và bố cục các khu vực chức năng và chọn đồ nội thất rất quan trọng. Nếu thực hiện đúng và bài bản sẽ giúp tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ của các dự án mở mới phòng khám, bệnh viện rất nhiều.
Giao thông nội bộ
Về chuyên môn, ví dụ như phải đảm bảo tất cả các khu vực cả trong và ngoài phải tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn xây dựng dành cho người khuyết tật, thuận tiện cho việc di chuyển một cách dễ dàng giữa các khu vực; vỉa hè và hành lang phải đủ rộng cho 2 xe lăn qua lại dễ dàng.
Việc bố trí bố cục và công năng, kiểu dáng đồ nội thất phải đảm bảo hiệu quả trong quá trình sử dụng. Giảm thiểu khoảng cách, thời gian di chuyển giữa các không gian thường xuyên sử dụng; bác sĩ phải dễ dàng quan sát trực quan bệnh nhân; sử dụng hiệu quả các không gian bằng việc đa dạng về mục đích sử dụng, tiện lợi và hợp nhất các không gian nếu có thể.
Về các đồ nội thất thường xuyên cần di chuyển như tủ, kệ máy móc.., ưu tiên sử dụng các vật liệu nhẹ, có bánh xe, thiết kế đơn giản, hạn chế chi tiết cầu kỳ, giảm va chạm và gây âm thanh ồn ào khi di chuyển.
Bảo trì, bảo dưỡng
Không gian trong và ngoài, phải dễ dàng săn sóc, vệ sinh, bảo trì trong suốt quá trình sử dụng. Kỹ sư thiết kế không gian phải tính toán đến yếu tốt việc vệ sinh một cách dễ dàng các trang thiết bị như khung cửa, bậc thang, tay nắm cửa, tủ, quầy kệ, nhà vệ sinh… Điều này ảnh hưởng đến chi phí vận hành, khấu hao tài sản đối với chủ đầu tư và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân trong quá trình khám và chữa bệnh.
Trên đây là một số thông tin về xây dựng và thiết kế các không gian chăm sóc sức khỏe mà iCOM Design lưu ý đến độc giả. Khách hàng có thể liên hệ công ty để được đội ngũ Kỹ sư Thiết kế của iCOM Design tư vấn chi tiết và chọn các phương án phù hợp nhất cho không gian của mình.